Đàm phán hợp đồng mua bán điện PPA

Quy trinh PPA_vietnamprp

Hợp đồng mua bán điện

Khái niệm

Hợp đồng mua bán điện trong tiếng Anh là Power Purchase Agreement, viết tắt là PPA.

Hợp đồng mua bán điện (PPA) đề cập đến một hợp đồng cung cấp điện lâu dài giữa một công ty tư nhân sản xuất điện và khách hàng (thường là một cơ quan chính phủ hoặc người tiêu dùng điện cá nhân).

Tại Việt Nam, căn cứ theo qui định tại qui định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành, có hiệu lực từ 15/11/2018, qui định hợp đồng mua bán điện như sau:

“Hợp đồng mua bán điện là văn bản thỏa thuận mua bán điện giữa Đơn vị mua buôn duy nhất và các đơn vị phát điện hoặc mua bán điện với nước ngoài.”

Quy trình đàm phán hợp đồng mua bán điện PPA

Theo Thông tư số 57/2020/TT-BCT Thông tư Quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện.

Trình tự đàm phán hợp đồng mua bán điện như sau:
– Đối với nhà máy điện mới, Hợp đồng mua bán điện giữa các bên phải được ký kết trước Ngày khởi công xây dựng công trình.
– Bên bán có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện gửi Bên mua để đàm phán và thực hiện các thủ tục để ký hợp đồng mua bán điện.
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện của Chủ đầu tư, Bên mua có trách nhiệm tổ chức đàm phán hợp đồng mua bán điện với Bên bán. Kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện, Hai bên phải ký tắt dự thảo hợp đồng mua bán điện.
– Sau khi dự thảo hợp đồng mua bán điện được ký tắt, Bên mua, Bên bán thống nhất và có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Cục Điều tiết điện lực kiểm tra hợp đồng mua bán điện.

Hồ sơ đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện
1. Hồ sơ đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện cho các nhà máy điện mới bao gồm nhưng không giới hạn các tài liệu sau:
– Công văn đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện;
– Dự thảo hợp đồng mua bán điện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này và các đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế của nhà máy điện (nếu có);
– Chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án;
– Quyết định đầu tư xây dựng công trình kèm theo thuyết minh và báo cáo thẩm định dự án đầu tư nhà máy của tư vấn độc lập, các tài liệu kèm theo;
– Quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư lần đầu của dự án hoặc Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án có hiệu lực tại thời điểm đàm phán giá điện và các nội dung chính trong thiết kế cơ sở của dự án đầu tư có liên quan đến việc đàm phán hợp đồng mua bán điện, báo cáo thẩm định thiết kế cơ sở;
– Thỏa thuận đấu nối nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia kèm theo phương án đấu nối của nhà máy điện; thỏa thuận SCADA/EMS và hệ thống thông tin điều độ; thỏa thuận hệ thống rơ le bảo vệ và tự động;
– Hợp đồng vay vốn hoặc các văn bản, tài liệu giữa Chủ đầu tư và các bên cho vay, kế hoạch hoặc thực tế giải ngân các nguồn vốn vay;
– Hợp đồng cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện, quy định rõ giá nhiên liệu cho phát điện, giá vận chuyển nhiên liệu, giá tồn trữ, tái hóa và phân phối LNG và các phụ phí kèm theo, điểm giao nhận nhiên liệu và thời hạn cung cấp nhiên liệu;
– Tài liệu tính toán tổn thất công suất và điện năng của máy biến áp, đường dây từ máy biến áp tăng áp đến điểm đấu nối với hệ thống điện quốc gia và tài liệu tính toán điện tự dùng trong nhà máy điện;
– Tài liệu tính suất tiêu hao nhiệt tinh đối với nhà máy nhiệt điện;
– Phương án giá bán điện được xác định theo phương pháp quy định tại Mục 1 và Mục 3 Chương II Thông tư 57/2020/TT-BCT;
– Các tài liệu liên quan khác.
2. Hồ sơ đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện đã vận hành thương mại bao gồm nhưng không giới hạn các tài liệu sau:
– Công văn đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện;
– Dự thảo hợp đồng mua bán điện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;
– Hồ sơ hợp đồng mua bán điện hiện có;
– Hồ sơ kỹ thuật của nhà máy, số liệu kỹ thuật hệ thống SCADA/EMS, hệ thống rơ le bảo vệ và tự động, đặc tính vận hành P-Q các tổ máy tới thời điểm hiện tại;
– Hợp đồng cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện;
– Phương án giá bán điện của nhà máy được xác định theo quy định tại Mục 1, Mục 2 và Mục 3 Chương II Thông tư 57/2020/TT-BCT;
– Báo cáo tài chính có kiểm toán của nhà máy điện của năm gần nhất tính tới thời điểm đàm phán hợp đồng mua bán điện.

Trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện
– Sau khi kết thúc đàm phán hợp đồng mua bán điện, Hai bên thống nhất và có trách nhiệm báo cáo Cục Điều tiết điện lực kiểm tra hợp đồng mua bán điện kèm theo hồ sơ quy định tại Điều 18 Thông tư này.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị kiểm tra hợp đồng mua bán điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và có văn bản yêu cầu Bên mua và Bên bán bổ sung các tài liệu còn thiếu theo quy định.
– Trong thời hạn 30 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị kiểm tra hợp đồng mua bán điện hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra và có ý kiến về hợp đồng mua bán điện.
– Trong thời hạn 30 ngày làm việc tính từ ngày có ý kiến kiểm tra hợp đồng mua bán điện, Hai bên có trách nhiệm ký chính thức hợp đồng mua bán điện. Trường hợp quá thời hạn quy định mà Cục Điều tiết điện lực chưa có ý kiến đối với hợp đồng mua bán điện, Hai bên được phép ký chính thức hợp đồng mua bán điện theo các nội dung đã thỏa thuận. Bên mua có trách nhiệm gửi 01 (một) bản sao hợp đồng mua bán điện đã ký cho Cục Điều tiết điện lực để lưu và theo dõi thực hiện.
– Trường hợp giá điện theo quy định theo đề xuất của Bên bán vượt khung giá phát điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, hai bên có trách nhiệm báo cáo, giải trình và đề xuất phương án để Cục Điều tiết điện lực xem xét, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết.