Nhiều dự án điện gió lỡ hẹn hưởng giá FIT

Theo Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, hiện có khoảng 4.000MW dự án điện gió đang thi công với mục tiêu vận hành thương mại (COD) trước ngày 1.11.2021 có nguy cơ lỡ thời hạn hưởng giá ưu đãi. Cho nên, nhiều nhà đầu tư đã kiến nghị Chính phủ nên gia hạn giá FIT thêm 6 tháng nữa.

Kiến nghị gia hạn giá FIT cho điện gió thêm 6 tháng

Những ngày qua, nhiều dự án điện gió tại Việt Nam đang “chạy nước rút”, đẩy nhanh tiến độ đưa nhà máy vào vận hành thương mại trước ngày 1.11.2021 để kịp hưởng giá bán điện cố định kéo dài 20 năm theo Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, dù có “vắt chân lên cổ” để đẩy nhanh tiến độ, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua đã gây ra không ít khó khăn cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án điện gió.

Trao đổi với Lao Động, ông Ben Blackwell – Chủ tịch Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) – cho biết, 4.000MW dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang thi công với mục tiêu vận hành thương mại (COD) trước 1.11.2021 có nguy cơ lỡ thời hạn FIT tháng 11.2021. Hậu quả là khoản đầu tư năng lượng sạch trị giá 6,7 tỉ USD, cùng với gần 21.000 việc làm trong tương lai sẽ gặp rủi ro.

“Nếu không có biện pháp cứu trợ COVID-19 cho ngành điện gió bằng việc cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, những dự án này sẽ chịu những tổn thất ngoài dự kiến do đại dịch gây ra.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương sẽ mất đi các khoản đầu tư và khoản thu ngân sách quan trọng và xảy ra một chu kỳ “phá sản” khiến thị trường điện gió Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới có thể phục hồi” – đại diện GWEC cho biết.

Nhiều dự án điện gió lỡ hẹn hưởng giá FIT. Ảnh minh hoạ, nguồn VT
Nhiều dự án điện gió lỡ hẹn hưởng giá FIT. Ảnh minh hoạ, nguồn GWEC

Do đó, GWEC và ngành điện gió toàn cầu kiến nghị Chính phủ cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng như một biện pháp cứu trợ COVID-19 cho ngành điện gió Việt Nam.

Ông Mark Hutchinson – Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC – chia sẻ, Việt Nam là một trong những thị trường điện gió tiềm năng nhất ở Đông Nam Á.

“Tôi cho rằng, Chính phủ nên lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT, tạo điều kiện cho 4.000MW dự án điện gió có hiệu quả kinh tế và khả năng hiện thực hoá hoàn thành trong thời hạn hợp lý. Quyết định lùi thời hạn áp dụng FIT không chỉ đảm bảo tính khả thi của các dự án điện gió trên bờ, mà còn khuyến khích đầu tư vào ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai” – ông Mark Hutchinson nói.

Bộ Công Thương nói gì?

Trả lời về đề xuất gia hạn cơ chế giá FIT (giá cố định) cho những dự án điện gió chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – cho hay, thời gian vừa qua, cục nhận được khá nhiều đề xuất của UBND các tỉnh, chủ đầu tư với nhiều lý do khác nhau không kịp tiến độ để hưởng giá FIT.

Theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 31.10.2021, cơ chế giá FIT cho điện gió sẽ hết hạn, Bộ Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió.

Chúng tôi đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ với các dự án điện gió trong thời gian tới, với hướng phù hợp với Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật giá, Luật điện lực. Trong tương lai, lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu” – ông Dũng nói.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến tháng 9.2021, có 106 dự án điện gió sẽ vận hành thương mại, để kịp hưởng giá FIT.

Trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 5.655 MW đăng ký thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại đã có 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 272,4 MW được công nhận vận hành thương mại COD.

Các dự án điện gió này bao gồm Hòa Bình 1 – giai đoạn 2 (42,2 MW); điện gió số 5 Ninh Thuận (46,2 MW); Điện gió 7A (33,4 MW); nhà máy điện gió Đông Hải 1 – giai đoạn 2 (50 MW); nhà máy Ea Nam (12,6 MW), nhà máy BIM (88 MW)

Nguồn: Laodong.vn